Giới thiệu chung Xã
Ngày 24/04/2020

Xã Phương Công là một trong 32 xã thị trấn thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, nằm ở phía Tây của huyện. Diện tích tự nhiên 429,2ha, trong đó: đất nông nghiệp là 312,3ha; cách Thị Trấn Tiền Hải 3km, phía Tây bắc giáp xã An Bồi huyện Kiến Xương và xã An Ninh, phía nam giáp xã Tây Phong, phía Đông giáp xã Tây Giang, phía tây giáp xã Vân Trường. Xã có 5 thôn, dân số năm 2019 là trên 6400 nhân khẩu, có gần 700 người theo đạo Thiên Chúa.

Vốn là vùng bãi bồi ven biển, vùng đất cựu của huyện Tiền Hải, địa hình của xã bằng phẳng, được phù sa sông Hồng và sông Trà Lý bồi đắp, nhìn chung đất đai Phương Công thuộc hệ phù sa trẻ, phù hợp với nhiều loại cây trồng. Khí hậu PHương Công mang đặc trưng của vùng nhiệt đới ẩm, gió mùa ven biển, mùa đông thường ẩm, mùa hè thường mát hơn so với khu vực nằm sâu trong nội địa.

Về hệ thống giao thông thủy, bộ: Xã có đường liên xã (đường 37 dài 4,5km và một hệ thống đường liên thôn, liên xóm dài 12km. Xã có sông Cổ Rồng chảy qua. Sông Cổ Rồng chính là sông Gốc Giang- một nhánh của sông Kiến Giang. Đoạn sông Gốc Giang chảy qua Phương Trạch và Công Bồi được nhân dân nơi đây gọi là sông Cổ Rồng. Xã có cầu Cổ Rồng, cầu Đồng Thượng, với 2 bến bãi, có chợ và phố Cổ Rồng với trên 120 hộ kinh doanh dịch vụ nên Phương Công có điều kiện thuận lợi cho phát triển giao thông vận tải, giao lưu buôn bán. Ngoài ra, Phương Công còn có hệ thống kênh, ngòi, mương máng khá thuận lợi cho việc tưới tiêu, thau chua rửa mặn các cánh đồng.

Về các công trình văn hóa, thờ tự: Toàn xã có hàng chục di tích lịch sử- văn hóa, nơi thờ tự gồm có 3 đình: Đình Quán tại Công Bồi dựng năm 1904, hậu cung của đình dựng năm 1936, đình đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; Đình Đoài ở xóm Đình dựng năm 1894; Đình Đông ở Cổ Rồng dựng năm 1910, đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Có 3 chùa nhưng hiện nay còn lại 2 là chùa Quang Trung Tự ở Công Bồi và Đông Sơn Tự ở Phương Trạch, chùa Vối bị phá vỡ vào những năm 1976- 1979. Hai nhà thờ họ giáo: nhà thờ họ giáo thôn Phương Trạch Tây và nhà thờ họ giáo thôn Công Bồi Tây. Có 2 nhà thờ họ đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đó là: nhà thờ họ Phạm ở xóm Chùa và nhà thờ họ Trần ở xóm Quán. Ngoài ra trong xã còn có hàng chục miếu lớn, nhỏ, trong đó có 2 miếu lớn là miếu Bia ở xóm Bía và miếu Hào ở xóm Hào thôn Phương Trạch. Hiện nay, các đình, miếu, chùa và nhà thờ ở Phương Công còn lưu giữ được 34 sắc phong (nhà thờ họ 7; đình 26; miếu 1) từ thời Lê đến thời Nguyễn. Qua các thần tích sắc phong cho thấy các đình, chùa, miếu tại Phương Công hiện nay được xây dựng, tôn tạo lại cách đây trên 100 năm nhưng thực ra các đình, chùa đã có cách ngày nay trên 600 năm.

Như vậy, với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, Phương Công có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng vụ, tăng năng suất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại mùa vụ. Tuy vậy, Phương Công là địa phương có bình quân diện tích đầu người thấp, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp đã xuống cấp và tương đối lạc hậu. Để phát triển kinh tế- xã hội bền vững. Phương Công phải thực hiện tốt công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển ngành nghề, phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho nhân dân. Tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, chú trọng công tác thủy lợi và xác định cơ cấu ngành nghề hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế- xã hội.